Archive for May 25th, 2009

Tan Hoang Cửa Nhà

May 25, 2009

Trong hai ngày 20 và 21 tháng 5 năm 2009 vừa qua, chính quyền quận 9 đã thực hiện thành công tốt đẹp công cuộc cưỡng chế phá nhà đoạt đất của hai gia đình lương dân đang sinh sống yên bình. Bất chấp các khiếu nại của người dân chưa được giải quyết thỏa đáng, bất chấp sự phản đối trong tuyệt vọng của gia đình các nạn nhân và bất chấp lời nguyền rũa phỉ nhổ của hàng trăm người dân ở quận 9. Khôi hài hơn, sau khi cưỡng chế, những người trong chính quyền còn gặp gia đình các nạn nhân để chia buồn và bài tỏ sự xót xa cảnh màn trời chiếu đất do chính họ tạo ra cho các nạn nhân [?????!!!!].


Trang trại sinh thái của ông Sáu Ngữ khác nào bồng lai tiên cảnh. Tâm huyết đầu tư của người lính già quyết tâm làm giàu để thoát đói nghèo.

Hai là đình bị cưỡng chế đó là gia đình ông Sáu Ngữ (phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9, tp Sài Gòn) và gia đình ông Hai Chùm (phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, tp Sài Gòn).

Khi Chanh Chỉ Còn Vỏ

Nhìn cơ ngơi của ông Sáu Ngữ nhiều người nhầm tưởng ông là một đại gia từ thành phố về mua đất lập trang trại dưỡng già. Không mấy ai biết rằng ông là người lính trở về từ chiến trường với hai bàn tay trắng. Khi về hưu, theo lời kêu gọi phát triển kinh tế của đảng cộng sản nên ông đã bán hết tài sản, mượn vốn của bạn bè và vay thêm tiền ngân hàng để về quận 9 lập nghiệp. Ông mua hơn 3.600 mét vuông đất hoang hóa, sình lấy, nhiễm phèn để xây dựng trang trại. Khi ông mua, đất của ông nằm trong quy hoạch nhà vườn sinh thái nên chính quyền quận 9 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp do ông làm chủ. Và ông đã vay thêm tiền để đầu tư thành trang trại nhà vườn sinh thái rất đẹp. Trang trại của ông được xây tường bê tông cốt thép kiên cố bao bọc. Bên trong có hồ nước bao quanh tiểu đảo nuôi gấu, trăn, nhím…dưới hồ nuôi thủy đặc sản: ba ba, rùa, cá chình, chép, bống mú…Khu chuồng trại nuôi hàng trăm gà tây, gà ta, ngỗng…Trong vườn ông trồng nhiều loại thuốc nam như sake, đinh lăng, diệp hạ châu…và nhiều cây ăn trái khác như mít, xoài, ổi, bưởi,mận…Ngoài ra ông còn có khu nuôi ươm trứng baba, mỗi năm có thể ươm hàng chục ngàn con giống baba con. Nhìn cơ nghiệp đó, người ta có thể nghĩ rằng ông sẽ được an nhàn hưởng thụ tuổi già.


Giờ thì bình địa, cây cối gục ngã.

Ai có ngờ đâu tai họa giáng xuống gia đình ông từ chính những người mà ông gọi là đồng chí. Cơ ngơi đầu tư trị giá cả ngàn lượng vàng chưa trả hết nợ ngân hàng và nợ vay của bạn bè thì chính quyền quận 9 ra quyết định thu hồi với lý do phục vụ dự án khu Công Nghệ Cao. Là một cựu chiến binh và cũng từng là đảng viên cộng sản nên ông sẳn sàng chấp hành quyết định của chính quyền với điều kiện phải đền bù thỏa đáng với mức đầu tư của ông theo thời giá thị trường. Không thể nào chấp nhận giá đền bù của chính quyền quận 9 chỉ tương đương gần 50 lượng vàng. Vì như thế thì ông lấy đâu ra tiền để bù lại tiền vay ngân hàng đã đầu tư. Ông đã kêu gọi khắp các cơ quan của nhà nước nhằm mong muốn họ giải quyết công bằng cho ông nhưng vô ích. Hơn 4 năm nay không ai giải quyết cho ông. Cho dù ông viện dẫn các điều luật hiện hành thì người ta cũng phớt lờ. Và chính quyền quận 9 đã tung quân tàn phá cơ ngơi của ông trong sự tuyệt vọng và quẫn trí của ông và các con của ông.

Anh Út, một người dân cùng xóm, kể lại: “Tội nghiệp lắm, hôm qua ổng như người mất trí vậy. Chạy tới chạy lui mất hồn, không biết phải làm gì. Tụi nó thì chỉ biết làm theo lệnh. Xe ủi húc cửa, cào nhà , xô tường ngã tan nát hết. Nhà mái tôn của ổng chúng nó ủi bay xuống ao, cây cối cưa ngang ngã gục xuống hồ nước. Gấu của ổng tụi nó bắn thuốc mê rồi chở đi. Cá dưới hồ không kịp lưới lên, cây cối ngã xuống vài bữa là chết sạch. Thiệt nhìn cảnh dã man hết chổ nói. Hơn cả chiến tranh”.


Nhà của ông Sáu Ngữ bị xe ủi húc tan hoang

Anh Quẩn nói: “Dân muốn đến xem là bị đuổi đi. Ai lạng quạng là bị bắt quăng lên xe bít bùng. Tôi vô được một lát cũng bị hai thằng công an kè xốc nách lôi ra”.

Tôi hỏi: “Bà con mình có ai chụp được tấm hình nào không?”

Một người trả lời: “Làm sao chụp được, tụi nó đông như kiến. Ai chụp hình là chúng nó giật máy ngay. Con ông Sáu Ngữ chụp hình cũng bị tịch thu xóa sạch. Hủy hết. Không để lại chứng cứ gì mà. Có hình để mấy ông tung lên mạng tố cáo chúng nó à? Bây giờ tụi nó khôn lắm rồi.”

Ông Sáu Ngữ kể: “Tôi quay phim chụp hình được nhiều lắm, như chiều hôm qua chúng nó tước lấy máy tôi rồi xóa sạch.”

Tôi hỏi ông Sáu Ngữ: “Tình hình sao rồi chú?” [Hỏi rồi mới thấy mình hơi bị vô duyên]

Ông nói như vô hồn: “Tan nát hết. Đang gom sắt vụn bán ve chai. Có cách nào tố cáo lên báo đài quốc tế không? Báo chí trong nước mời không ai dám xuống. Hôm qua có phóng viên báo Quân đội nhân dân đến xem, không biết có dám viết không?”

Tôi xót xa nhìn nhà cửa cây cối tan hoang mà hỏi vớt vát: “Sao chú không xin họ cho thời gian ít hôm rồi mình tự tháo cho đỡ hư hao?”

Ông già trên 70 muốn khóc: “Tôi như chanh chỉ còn vỏ, họ nào cần nữa. Vứt càng sớm càng tốt đấy mà. Chúng nó có tâm đâu mà xin với xỏ.”

Ngưng một chút rồi ông nói thêm: “Chiều qua có hai thằng công an đến chia buồn với tôi. Chúng bảo xót xa lắm nhưng không biết phải làm thế nào.”

Tôi nghe mà muốn văng tục. Bỉ ổi hết mức.

Người ta kể lại rằng con trai ông tưới xăng định tự thiêu thì công an ập đến bắt lên xe chở đi. Thế thì xem như các đồng chí công an quận 9 làm được việc tốt là cứu được một mạng người.

Một anh công an cảm thấy bất nhẫn nên bỏ ra quán uống bia, anh tâm sự: “Tôi không liên quan gì đến vụ này mà cấp trên cũng lệnh phải đi. Biết làm sao được. Mình không làm lại chúng nó đâu. Bẻ nạn chống trời sao được. Đi vầy tôi được thưởng 100.000 với một hộp cơm trưa.” Anh này chắc còn chút lương tri nên cảm thấy xấu hổ. Thế là tốt.

Không biết những người đến phá nhà ông Sáu Ngữ có biết rằng họ cũng là những trái chanh đang bị vắt? Khi chỉ còn vỏ thì có hơn gì ông Sáu Ngữ hay không?

Ông Sáu Ngữ với thành quả mười mấy năm trời trồng mít, xoài…

Sao Không Còn Biết Tình Lý?

Láng giềng cùng cảnh tang thương như ông Sáu Ngữ là gia đình ông Hai Chùm. Một gia đình nông dân nghèo sống nhiều đời ở địa phương. Ông Hai nuôi bò rất giỏi, có khi đàn bò của ông lên đến hơn hai chục con. Từ khi bị vướng quy hoạch ông phải bán bớt, chỉ còn lại vài con.

Ông mời tôi ngồi bên bụi trúc còn sót lại sau cuộc cưỡng chế hôm qua rồi kể: “Tôi nói chú nghe. Nhà tôi có 11 người. Tôi sống ở đây không phải mua thứ gì. Rau cỏ, cá mắm, lúa gạo, gà vịt tự gia đình cung cấp cho cuộc sống hàng ngày. Đây là 1300 mét vuông đất của tôi nhà nước muốn lấy thì cũng được. Nhưng nhà nước phải tái bố trí gia đình 3 đứa con tôi 3 cái nền riêng để chùng nó ở. Tôi cũng phải có chổ để ở riêng. Sao nhà nước không giải quyết tình lý gì cả vậy? Nhét cả gia đình tôi đi đâu đây? Tôi lấy gì mà sống?”

Rít một hơi thuốc ông than vãn: “Chú coi đó. Tôi xin nó để cái chuồng bò tôi ba bữa để tôi kêu người bán mà cũng không được. Phá sập hết. Con dâu tôi sanh mới 10 ngày mà nó cũng hốt lên xe cứu thương chở đi. Tôi khiếu nại lên đến thành phố rồi mà cũng không được. Tôi đâu có chống đâu, giải quyết đàng hoàng là tôi đi ngay, cần gì cưỡng chế.”

Anh Mến, một người cùng xóm kể: “Ông Hai là một nông dân rặt của vùng này. Cả đời ông chăm chỉ, lam lũ làm ăn. Nghèo nhưng rất lương thiện. Không rượu chè cờ bạc, không míc lòng đến đứa con nít trong xóm. Bây giờ thì ông ấy mất hết.”

Ông Hai chỉ ngôi nhà tường đổ nát nói thêm: “Chú coi. Có thua gì mùa hè đỏ lửa 1972. Thời chiến mà gia đình tôi không mất đất mất nhà. Nay thời bình mà nhà cửa của tôi tan nát hết.”

Ông Hai Chùm đứng dậy đi gom tôn, cây vụn lại. Có lẽ để dành cất chòi. Không biết đất còn đâu mà cất. Cất ở đây thì ít hôm chính quyền cũng đến phá sập thôi.

Hiện trường sau khi chính quyền quận 9 thi hành giải tỏa


Lương Tri Con Người Còn Hay Mất?

Nhìn cảnh nhà cửa của gia đình ông Sáu Ngữ và ông Hai Chùm thật là xót xa. Thật tình tôi cũng không biết an ủi họ thế nào để bớt đi nỗi đau mà họ đang gánh chịu. Tôi tự hỏi điều gì đang xảy ra trên quê hương tôi. Trong số thủ phạm gây ra nỗi đau cho họ có những người là cô chú tôi, anh em và bè bạn của tôi. Bình thường họ cũng là những con người không quá xấu xa ở mức dưới trung bình. Vậy mà khi họ phục vụ cho chính quyền cộng sản thì họ hoàn toàn khác hẳn. Họ biết là sai trái đấy. Nhưng họ lại đang tâm làm những điều sai trái. Họ phục vụ cho ai? Cho nhân dân hay cho bọn thẻ đỏ tim đen đang tiếm quyền hóa loài ngọa quỷ? Có bao giờ họ thao thức vì những việc làm tội lỗi của họ không? Ai cũng cho rằng bẻ nạn chống trời mà buông xuôi. Họ theo bọn cơ hội ức hiếp dân lành nhưng chính họ và gia đình của họ cũng đang bị bóc lột đến cùng kiệt. Vì cái gì? Vì miếng cơm manh áo hàng ngày của vợ con chăng? Vì chút quyền lực nhỏ nhoi để chèn ép những kẻ yếu thế hơn? Lương tâm của họ đâu rồi? Tính thiện trong mỗi con người của họ có còn không?

Đến bao giờ thì những cảnh đau thương này không còn nữa?

Tp Sài Gòn, 22/05/2009.
Bút Thép

Lương Tri Con Người Còn Hay Mất?

Nhìn cảnh nhà cửa của gia đình ông Sáu Ngữ và ông Hai Chùm thật là xót xa. Thật tình tôi cũng không biết an ủi họ thế nào để bớt đi nỗi đau mà họ đang gánh chịu. Tôi tự hỏi điều gì đang xảy ra trên quê hương tôi. Trong số thủ phạm gây ra nỗi đau cho họ có những người là cô chú tôi, anh em và bè bạn của tôi. Bình thường họ cũng là những con người không quá xấu xa ở mức dưới trung bình. Vậy mà khi họ phục vụ cho chính quyền cộng sản thì họ hoàn toàn khác hẳn. Họ biết là sai trái đấy. Nhưng họ lại đang tâm làm những điều sai trái. Họ phục vụ cho ai? Cho nhân dân hay cho bọn thẻ đỏ tim đen đang tiếm quyền hóa loài ngọa quỷ? Có bao giờ họ thao thức vì những việc làm tội lỗi của họ không? Ai cũng cho rằng bẻ nạn chống trời mà buông xuôi. Họ theo bọn cơ hội ức hiếp dân lành nhưng chính họ và gia đình của họ cũng đang bị bóc lột đến cùng kiệt. Vì cái gì? Vì miếng cơm manh áo hàng ngày của vợ con chăng? Vì chút quyền lực nhỏ nhoi để chèn ép những kẻ yếu thế hơn? Lương tâm của họ đâu rồi? Tính thiện trong mỗi con người của họ có còn không?

Đến bao giờ thì những cảnh đau thương này không còn nữa?

Tp Sài Gòn, 22/05/2009.
Bút Thép

Đe doạ nguồn nước uống của dân miền Đông và Sài Gòn

May 25, 2009

Về công nghệ, để tinh luyện bauxite Tây Nguyên cần qua năm bước:
– Khai thác quặng bauxite.
– Tinh luyện bằng nước.
– Tinh luyện bằng xút và hoá chất.
– Nung kết sản phẩm để có alumin (oxit nhôm).
– Điện phân oxit nhôm để lấy nhôm.
Việc tuyển quặng bằng nước và xút cùng hoá chất trong bước 2 và 3 để tạo ra alumin sẽ thải ra môi trường một lượng rất lớn chất thải nước hoặc được làm khô tại thượng nguồn sông Đồng Nai. Dù có được làm khô, nước mưa cũng sẽ hoà tan chúng và làm ô nhiễm vùng đầu nguồn. Theo báo cáo của Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, cứ 1 tấn alumin thải ra môi trường 1,5 tấn bùn đỏ và khoảng 12m3 nước. Khu vực Tân Rai và Nhân Cơ đều là khu vực đầu nguồn của hồ Trị An. Riêng với nhà máy Tân Rai công suất 600.000 tấn alumin/năm thì mỗi năm thải ra môi trường 900.000 tấn bùn đỏ và 7.200.000m3 chất thải nước có xút và chất độc. Theo kế hoạch đến năm 2015 Tây Nguyên sản xuất 8,5 triệu tấn alumin thì Tây Nguyên mỗi năm thải ra 12,75 triệu tấn bùn đỏ và 120 triệu m3 chất thải nước có xút và chất độc. Chúng ta đều biết, TP.HCM sử dụng nguồn nước thô chủ yếu lấy từ nhà máy nước thô Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Nhà máy nước Thiện Tân nằm tại hạ lưu hồ Trị An. Như vậy, việc xây dựng hai nhà máy luyện nhôm Tân Rai và Nhơn Cơ ngay tại khu vực đầu nguồn hồ Trị An là đe doạ nguồn nước uống của các tỉnh miền Đông, kể cả TP.HCM. Nguồn nước uống lại là sự sống còn của bất cứ cộng đồng dân cư nào. Nếu không được bảo vệ, nó cũng là nguyên nhân chính gây ra các chứng bệnh ác tính không thể biết trước cho con người.
Tôi thỉnh cầu những người có trách nhiệm nên ra lệnh dừng ngay việc xây dựng nhà máy luyện nhôm Tân Rai và Nhân Cơ hay bất cứ nhà máy luyện nhôm nào trên Tây Nguyên. Chúng ta chỉ nên thực hiện bước 1 tại Tây Nguyên, còn các bước sau nên chọn vị trí thuận lợi tại hạ lưu để thực hiện. Như vậy đáp ứng cả an ninh quốc gia vì công đoạn bước 1 giản đơn không cần nhu cầu sự hiện diện người nước ngoài tại Tây Nguyên. Ví dụ ta nên xây dựng đường sắt bắc Dắk Nông – Buôn Ma Thuột – Cheo Reo – bắc Đèo Cả dài 156km, ít đèo dốc. Cao độ lớn nhất 530m. Đường sắt cho đa mục tiêu: hàng hoá từ Tây Nguyên về cảng Vân Phong, hành khách từ Buôn Ma Thuột đi Hà Nội…
Tại khu vực bắc Đèo Cả có nước ngọt sông Ba, có cảng Vũng Rô tự nhiên nước sâu, ít dân cư, cách ly với các khu du lịch ven biển. Tại đây có thể xây dựng bể chứa bùn đỏ, nhà máy luyện nhôm thuận lợi hơn nhiều đưa bauxite về Bình Thuận.

Mọi việc do con người làm ra, nên con người có thể điều chỉnh khi chưa muộn.

KS Doãn Mạnh Dũng, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký hội Khoa học kỹ thuật Biển TP.HCM

Trung Quốc đưa tàu lớn tới Hoàng Sa!

May 25, 2009

Trung Quốc hôm 19-5 đã đưa tàu lớn tới Hoàng Sa để tiến hành các hoạt động được tuyên bố là “tuần tra nghề cá và bảo vệ chủ quyền”.

BBC dẫn tin từ Tân Hoa xã cho biết, tàu Ngư Chính số 44183 lớn nhất của tỉnh Quảng Đông lần đầu tiên tuần tra quần đảo Hoàng Sa đã tới cảng Tam Á ngày 17-5, sau chuyến hành trình 360 hải lý.

Chiếc tàu này cùng với một tàu Ngư Chính khác – số 44061 – xuất phát từ thành phố Trạm Giang hợp thành biên đội đến hải vực Hoàng Sa vào ngày 19-5 để tiến hành hoạt động mà Trung Quốc gọi là “tuần tra nghề cá và bảo vệ chủ quyền”.

Chỉ huy phụ trách tàu Ngư Chính Chu Thế Hùng cho biết, tàu Ngư Chính lớn nhất Quảng Đông thuộc về Tổng đội Chu Hải sẽ tuần tra quần đảo Hoàng Sa trong vòng nửa tháng. Đây là lần đầu tiên chi đội Chu Hải thuộc Ngư Chính Quảng Đông tham gia tổ chức tuần tra tại quần đảo Hoàng Sa và cũng là lần đầu tiên làm nhiệm vụ viễn dương ở khu vực xa nhất.

Tàu Ngư Chính 44183 là tàu có trọng tải lớn nhất của tỉnh Quảng Đông, sức bạt nước 500 tấn và di chuyển với vận tốc rất nhanh. Hệ thống thiết bị thông tin của Ngư Chính 44183 được cho là tiên tiến so với các tàu khác, có phòng thí nghiệm và các thiết bị đo đạc, chụp hình dưới đáy biển.

Tàu Ngư Chính số 44183 lớn nhất của tỉnh Quảng Đông.

Cuối tuần trước, ông Lê Dũng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Ông Lê Dũng nhấn mạnh: “Mọi hành động của nước ngoài đối với hai quần đảo này cũng như trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các khu vực này”.

Theo ông Lê Dũng, trong quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho các tranh chấp ở biển Đông, Việt Nam cho rằng các bên liên quan cần tuân thủ Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông” (DOC), không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.