Archive for January 8th, 2010

Tất cả những tôn giáo ở VN có thể liên kết lại và xuống đường…

January 8, 2010

Trước hết tôi xin tất cả những Vị lãnh đạo tinh thần tôn giáo lượng tình tha thứ cho nếu có điều gì xúc phạm đến các Vị. Ở đây tôi chỉ muốn bày tỏ một vài suy nghĩ của mình.

Tôn giáo là nơi mà con người tìm đến để tu học, để tìm một niềm tin ở những đấng thiên liên cho một sự siêu thoát hay cứu rỗi. Tôn giáo không muốn có hận thù, khống muốn thấy sự chết chóc. Tôn giáo lúc nào cũng muốn con người được sống bình an và hạnh phúc. Nhưng tôn giáo có trách nhiệm với dân tộc và tổ quốc không? Nếu một tổ chức tôn giáo nào đó lãnh đạo và kêu gọi những phật tử hay tín đồ đấu tranh bất bạo động cho lý tưỡng tự do và sự sống còn của dân tộc, thì chuyện đó có nên làm hay không? Nếu tất cả những tôn giáo ở VN trả lời: có trách nhiệm và nên làm thì đây là một cái phúc lớn cho dân tộc VN.

Tại sao tôn giáo có thể là một chổ dựa và sức mạnh cho sự đấu tranh giành tự do và dân chủ cho VN trong giai đoạn hiện nay? Trước hết tôi xin sơ lược qua tại sao CS vô thần. CS lý luận rằng, tôn giáo là một trong những tổ chức dẫn đến có sự giai cấp trong xã hội, và tôn giáo là một tập hợp của quần chúng và là sức mạnh đối đầu với CS. Vì vậy, CS phải vô thân để tiêu diệt tôn giáo. Trong giai đoạn và thời điểm này tôn giáo là điểm tựa và có thể kết hợp được quần chúng cho một cuộc đấu tranh bất bạo động. Ưu điểm ở đây là, tất cả tôn giáo ở VN là những tổ chức đã có sẵn, cho nên dễ dàng kêu gọi và tập hợp cho phong trào đấu tranh dân chủ. Những người đấu tranh dân chủ trong nước, người thì đang ở trong lao tù, người thì tiếp tục đấu tranh trong âm thầm. Khó cho họ kết hợp được các tổ chức đấu tranh. Còn người dân VN — nhất là người dân miền Bắc — đã và đang sống trong sự sợ sệt, đàn áp và khủng bố tinh thần đã qúa nhiều rồi, và họ muốn đấu tranh nhưng không biết dựa vào đâu. Nói chung lại, người dân VN đang đi tìm một điểm tựa của sự tập hợp cho sự đấu tranh dân chủ của họ, và những Vị lãnh đạo tinh thân tôn giáo là nơi mà họ có thể đặt niềm tin của họ vào.

Trong những năm gần đây tuổi trẻ VN — thanh niên, sinh viên, học sinh và đặc biệt nhất là du sinh — đã học hỏi được nhiều về các nước dân chủ trên thế giới và họ hiểu thế nào là dân chủ. Và qua truyền thông internet ngày nay, tuồi trẻ đã tìm hiểu biết được và thấy được những gì CSVN đã và đang làm đối với dân tộc VN qua những bài viết của những học giả và những nhà trí thức đã bỏ công viết để nói lên sự độc tài, gian manh, xáo trá và tội ác của đảng CSVN. Tuổi trẻ: là rừng, là núi, là đất, là biển của nước Việt Nam, là linh hồn, là trí tuệ, là tương lai của dân tộc Việt Nam. Qua những bài viết của tuổi trẻ đăng trên những trang web, họ khao khát nước VN có được một nền tự do dân chủ thật sự. Họ sẵn sàng tiếp nối những bậc cha, chú, anh, chị đã và đang đấu tranh để giành tự do dân chủ cho VN, nhưng họ lạc lõng bơ vơ, họ không biết phải làm như thế nào để kết hợp sức mạnh của tuổi trẻ lại với nhau, họ không biết phải tổ chức một cuộc đấu tranh bất bạo động như thế nào, họ đang đi tìm một điểm tựa, và những Vị lãnh đạo tinh thần tôn giáo là nơi mà họ có thể đặc niềm tin để dẫn lối đưa đường cho ho. Nếu tất cả những tôn giáo ở VN liên kết lại để có một cuộc xuống đường đấu tranh bất bạo động thì tuổi trẻ sẽ là một lực lượng hùng hậu nhất.

Cuộc đấu tranh nào cũng có cai giá của nó và một đôi khi cái giá phải trả đó là sự chết. Những nhà tranh đấu dân chủ trong nước họ chấp nhận trả cái giá sự sống còn cho lý tưỡng tự do. Và còn rất nhiều người nữa sẵn sàn đứng lên đấu tranh cho tự do dân chủ nếu họ có một điểm tựa. Nếu tất cả những tôn giáo ở VN liên kết lại với nhau để phát động một cuộc đấu tranh bất bạo động toàn quốc thì sẽ kết hợp được tất cả người dân. Cuộc xuống đường này phải liên tục, không có sự dừng lại và cũng không có sự chấm dứt cho tới khi nào CSVN phải tuyên bố bãi bỏ đảng CS và thành lập một chính phủ đa đảng không CS.

Người việt hải ngoại sẽ phải là một hậu phương hỗ trợ cho cuộc xuống đường bất bạo động trong nước với tinh thần lẫn vật chất.

Những người đang ở trong quân đội, công an và tất cả những đảng viên CS, các bạn cũng là nạn nhân của đảng CSVN. Các bạn đang sống trong sự lo sợ, đàn áp và khủng bố tinh thần của đảng CSVN. Các bạn thấy sự bất công, độc tài. Các bạn được giáo hóa quyền lợi của đảng là trên hết. Các bạn không khờ khạo gì mà không nhận ra những điêù đó, nhưng các bạn không được quyền nói và không giám nói vì nhiều lý do, như là cho bản thân và gia đình. Có lẽ một đôi khi các bạn tự đặt câu hỏi tại sao mình phục vụ trong quân đội, trong cong an hay trong chính quyền mà lúc nào mình cũng sợ đảng và sống trong ám ảnh của sự lo sợ. Và đôi khi các bạn cũng tự hỏi tại sao chỉ có đảng mới sáng suốt lãnh đạo đất nước, như vậy là độc tài. Các bạn cũng thấy và hiểu rằng đảng CSVN chỉ lợi dụng hai chử nhân dân để lừa nhân dân. Nếu các bạn vì bất cứ lý do gì không thể mạnh dạng đứng lên đấu tranh giành tự do dân chủ cho chính mình và cho đất nước thì xin các bạn hay đứng ngoài cuộc và đừng tiếp tay đàng áp nếu có những cuộc xuống đường đâu tranh bất bạo động của đồng bào, thanh niên, sinh viên và học sinh.

Liên kết những tôn giáo cho công cuộc đâu tranh bất bao động giành tự do dân chủ cho VN là sức mạnh yếu tố cần thiết nhất trong giai đoạn và thời điểm này. Và tội tin rằng cuộc đấu tranh này sẽ không đi ngược lại những giáo lý của tôn giáo. Một người nằm xuống vạn người đứng lên và những anh hùng dân tộc sẽ là những trang sử của dân tộc.

Viết và nói về sự độc tài và tội ác của đảng CSVN đã nhiều. Bây giờ chỉ còn hành động thôi. Xã hội VN đầy dãy sự bất công và nguy cơ mất nước đang gần kề. Thời gian không chờ đợi bất cứ ai hay điều gì. Phải xuống đường thôi. Các Vị lãnh đạo tinh thần tôn giáo nghĩ sao?

Vụ đàn áp giáo xứ Ðồng Chiêm: “Ðập phá, triệt hạ Thánh Giá là phạm thánh”

January 8, 2010

HÀ NỘI (NV) – Tòa Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Hà Nội vừa ra một bản thông cáo hôm 7 tháng 1 năm 2010, nói rằng hành động phá bỏ thánh giá dựng trên núi Chẽ của giáo xứ Ðồng Chiêm là “phạm thánh” và đánh giáo dân là “thô bạo đáng bị lên án.”

“Chúng tôi vô cùng đau buồn, vì xúc phạm đến Thánh Giá là xúc phạm đến Chúa Kitô. Ðó là một sự phạm thánh! Xúc phạm đến Thánh Giá là xúc phạm đến biểu tượng thánh thiêng nhất của đức tin Kitô Giáo và giáo hội.” Bản thông cáo của văn phòng Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội viết.

“Ðánh đập tàn nhẫn những người dân vô tội và vô phương tự vệ là một hành động dã man vô nhân đạo xúc phạm trầm trọng đến phẩm giá con người. Ðây là hành vi thô bạo đáng bị lên án!”

Trả lời phỏng vấn của Người Việt về thông cáo của Tòa Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Hà Nội, một nhà phân tích, gần với Tòa Thánh Vatican, nói: “Thông cáo này của Tòa Tổng Giám Mục với những chi tiết rất cụ thể về sự kiện xẩy ra tại Ðồng Chiêm hôm qua, có thể được xem như là một báo cáo không chính thức cho Tòa Thánh Vatican. Và theo thủ tục thông thường thì chắc chắn Ðức Thánh Cha sẽ có một buổi họp để tìm hiểu, và sẽ ra chỉ thị là sẽ có phản ứng như thế nào…”

Sáng sớm ngày 6 tháng 1 năm 2010, theo bản thông cáo của Tòa Tổng Giám Mục, khoảng từ 600 đến 1,000 người gồm nhiều thành phần khác nhau từ viên chức nhà nước, công an, cảnh sát chống bạo động, dân phòng… được trang bị dùi cui điện, lựu đạn cay, lựu đạn khói, khiên mộc đã được điều động tới từ 2 giờ sáng để triệt hạ Thánh Giá bằng bê tông cốt sắt trên một đỉnh núi mà giáo dân đã dựng lên từ Mùa Chay 2009 hay khoảng tháng 3.

“Trước hành động phạm thánh như vậy, giáo dân Ðồng Chiêm đã kêu gọi họ ngừng ngay những hành vi xúc phạm đó. Thế nhưng giáo dân đã bị cảnh sát ném lựu đạn cay và một số đã bị đánh đập tàn nhẫn trong đó có hai người bị thương nặng hiện đang còn phải nằm bệnh viện để điều trị”.

Hình ảnh hai phụ nữ bị đánh trọng thương người bê bết máu nằm dưới đất trước một hàng rào đông đảo lực lượng “Cảnh sát cơ động” thản nhiên đứng nhìn, được phổ biến rộng rãi trên mạng lưới thông tin điện tử toàn cầu.

Theo lời Linh Mục Nguyễn Văn Hữu, quản xứ Ðồng Chiêm, Thánh Giá bằng bê tông được dựng lên thay thế cho Thánh Giá bằng gỗ đã hư nát nhiều năm trước đó.

Giáo xứ Ðồng Chiêm (xã An Phú, huyện Mỹ Ðức) cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 70 cây số về hướng Tây.

Nói với thông tấn xã AFP, Linh Mục Hữu cho hay đối diện với một lực lượng đàn áp đông đảo và võ trang như vậy, giáo dân chỉ có các quyển thánh kinh.

“Khi giáo dân yêu cầu họ cho xem văn bản quyết định phá dỡ Thánh Giá thì không được cho xem gì cả. Khi chúng tôi xây dựng Thánh Giá, không thấy nhà cầm quyền nói gì.”

Theo bản thông cáo, Thánh Giá được dựng trên “Núi Thờ còn gọi là Núi Chẽ nằm cạnh nhà thờ Ðồng Chiêm luôn thuộc quyền sử dụng của giáo xứ Ðồng Chiêm kể từ ngày thành lập giáo xứ hơn 100 năm nay. Ðây là nơi giáo xứ chôn cất các trẻ em sơ sinh và những người vô gia cư trong những năm 1945-1946. Ngày nay giáo xứ vẫn cho một số người thuê đất canh tác ở núi này.”

Thế nhưng phía chính quyền Việt Nam lại nói ngược lại.

Báo Hà Nội Mới, cơ quan ngôn luận của Thành Ủy thành phố Hà Nội trong bài viết có tựa đề “Không ai được phép coi thường kỷ cương” thì lại coi hành động xây dựng Thánh Giá là “trái phép” và vi phạm luật đất đai, xây dựng.

Báo này cũng nói rằng một số giáo dân đã bị kích động, ra hiện trường “chửi bới và ném gạch đá vào lực lượng bảo vệ”.

Theo lời tờ Hà Nội mới thì “giáo dân đã ‘tự động giải tán’ sau khi ‘được các lực lượng chức năng vận động, thuyết phục.’”

Thế nhưng, tuyệt nhiên, tờ báo này không hề nhắc đến việc các giáo dân bị đánh trọng thương phải đi cấp cứu và việc công an đã sử dụng vũ lực để đàn áp người dân.

Thời gian gần đây, việc đàn áp Công Giáo ở Việt Nam xảy ra liên tục dù quan hệ giữa nhà cầm quyền Việt Nam và Vatican được coi là “cải thiện”.

Chủ Tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết đến xin triều kiến Giáo Hoàng Benedict XVI, được Thông Tấn Xã Việt Nam trích lời nói rằng, “Chủ tịch nước nêu rõ nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của người dân và luôn coi đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Ngày 5 tháng 11 năm 2009, nhà cầm quyền địa phương bắt nhốt vị linh mục quản nhiệm giáo xứ Bàu Sen thuộc Giáo Phận Vinh khi ngài trên đường đi dự buổi tĩnh tâm của các linh mục trong giáo phận. Trong khi ngài bị giam giữ thì tượng Ðức Mẹ Maria Ðồng Trinh dựng ở nghĩa trang của giáo xứ cũng bị “kẻ lạ” phá dỡ.

Linh Mục Lê Trọng Cung, chánh văn phòng Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội nói trong bản thông cáo rằng: “Trong tình hiệp thông của giáo hội, xin các cha, tu sĩ nam nữ, chủng sinh, và tất cả anh chị em hãy tích cực cầu nguyện cho giáo xứ Ðồng Chiêm được vững vàng chia sẻ thập giá Chúa Kitô. Chúng ta cũng cầu nguyện cho đất nước được thực sự công bằng dân chủ và văn minh, những giá trị thiêng liêng được tôn trọng và các quyền con người được bảo vệ.”

Tháng 7 năm 2009, giáo dân giáo xứ Tam Tòa ở thành phố Ðồng Hới tỉnh Quảng Bình dựng một nhà tạm để che mưa nắng cho các buổi lễ ngay trên nền nhà thờ cũ. Nhà tạm đã bị triệt hạ và hàng chục giáo dân đã bị đánh và giam giữ. Vụ việc đã dẫn đến các cuộc biểu tình tuần hành của hàng trăm ngàn người trong Giáo Phận Vinh suốt nhiều tuần lễ.

‘Xô xát vì thánh giá ở Đồng Chiêm’

January 8, 2010

Giáo dân ở giáo xứ Đồng Chiêm cáo buộc chính quyền và công an thành phố Hà Nội đã dùng vũ lực đánh người trong khi tháo dỡ cây thánh giá được giáo dân dựng trên Núi Chẽ (còn gọi là Núi Thờ).

Vụ việc xảy ra vào sáng ngày 06/01, khi chính quyền xã An Phú, huyện Mỹ Đức, tổ chức tháo dỡ công trình mà họ gọi là “xây dựng trái phép”.

Giáo xứ Đồng Chiêm đã tổ chức cho giáo dân đứng ra cầu nguyện phản đối, và họ cáo buộc công an đã dùng vũ lực làm bị thương hàng chục người.

Thánh giá bị tháo gỡ lúc 6h sáng

Phản ứng

Công tác tháo dỡ thánh giá trên đỉnh núi tại xứ đạo Đồng Chiêm ở mạn tây nam Hà Nội đã tạo ra phản ứng mạnh mẽ trong dư luận công giáo tại Việt Nam.

Các bản tin trên trang mạng VietCatholic đăng ảnh và video những người dân bị thương và phản ứng của một số linh mục trước những hành động được mô tả là “đàn áp” của lực lượng công an.

Báo Hà Nội Mới thì lại coi hành động xây dựng thánh giá là “trái phép” và nói rằng một số giáo dân đã bị kích động, ra hiện trường “chửi bới và ném gạch đá vào lực lượng bảo vệ”.

Tờ báo của Thành ủy thành phố Hà Nội viết giáo dân đã “tự động giải tán” sau khi “được các lực lượng chức năng vận động, thuyết phục”.

Linh mục Nguyễn Văn Khải từ Linh mục đoàn Hà Nội có mặt tại hiện trường khi tình hình đã tạm ổn vào chiều ngày 6.I.2010 cho biết trên nền đất còn lại “khoảng 10 trái nổ nghiệp vụ, 10 lựu rít khói màu và 2 vỏ bình xịt hơi cay” do bộ công an sản xuất.

Thánh giá bằng bê tông được giáo xứ Đồng Chiêm, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, mạn tây nam Hà Nội dựng trên đỉnh núi Chẽ hay còn được dân địa phương gọi là núi Thờ từ tháng 3 năm 2009.

Với lý do “thực hiện nghiêm chủ trương chấn chỉnh trật tự kỷ cương xây dựng và kỷ cương phép nước cùng Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo”, chính quyền đã tháo dỡ công trình này vào sáng sớm ngày 6.1.2010, mà theo mô tả của dân địa phương là “đập bê tông, cưa đổ cốt thép, đập gãy thành nhiều mảnh” bỏ lại rải rác quanh đỉnh núi.

Một số nhân chứng nói cảnh sát đã “dùng dùi cui đánh” khi va chạm với giáo dân trên đường đê dẫn vào lối lên đỉnh núi.

Nhiều ảnh chụp cảnh giáo dân, có cả phụ nữ, nằm trong băng cứu thương thấm máu.

Thánh giá trên đỉnh núi trước khi bị hạ

Linh mục Nguyễn Văn Khải cho biết một số người bị thương nặng được đem về Hà Nội để chữa trị.

Giáo dân chít khăn tang dự buổi lễ thánh có mặt các linh mục từ Hà Nội xuống hiệp thông, cùng hát Kinh Hòa Bình – bài Thánh Ca thường xuyên được hát lên trong các vụ va chạm giữa giáo hội Công giáo tại Hà Nội và chính quyền trong vài năm trở lại đây.

Trong các ảnh chụp mới nhất từ hiện trường, hiện người dân địa phương đã dựng lên hai cây thánh giá bằng tre ngay tại chỗ cột thánh giá bằng bê tông bị hạ.

Gia tăng sử dụng côn đồ trấn áp tôn giáo

January 8, 2010

Trong thời gian gần đây, giới cầm quyền Việt Nam ngày càng chứng tỏ ráo riết sử dụng côn đồ để khủng bố, đàn áp tôn giáo, bất chấp công luận trong và ngoài nước.

Chiêu bài “Quần chúng tự phát”

Một trong những lợi khí xem chừng như đắc lực và hữu hiệu của VN hiện nay là thành phần côn đồ và xã hội đen được giới cầm quyền sử dụng trong chiến dịch đàn áp tôn giáo một cách có hệ thống và bài bản, khi thực tế ngày càng cho thấy công an và cả cán bộ địa phương thản nhiên đứng nhìn để những thành phần ấy tự do tấn công, đánh đập, nhục mạ giới tu hành.

Chẵng hạn như, gần đây nhất là hôm 28 tháng 12 vừa rồi, các chức sắc Đạo Cao Đài thuộc Thánh Thất Định Quán, tỉnh Đồng Nai phổ biến một lá thư báo động rằng “Thánh Thất Định Quán Bị Tấn Công”, qua đó cho biết “Chính quyền VN ủng hộ chi phái Hội Đồng Chưởng Quản 1997 chiếm cơ ngơi của Đại Đạo Tam kỳ Phổ Độ”, khi hôm Chủ Nhật 28 tháng 12 vừa qua, “thành phần xã hội đen của chi phái được sự hỗ trợ của công an, bộ đội (mặc sắc phục) và một số viên chức chính quyền mặc thường phục đang tấn công đồng đạo để chiếm Thánh Thất”. Và “bọn côn đồ đã giựt máy ảnh và máy quay phim của đồng đạo”.

Một trong những người ký tên trong thư này, ông Trần Ngọc Thuận, Chánh Trị Sự Gia Canh thuộc Thánh Thất Định Quán cho biết thêm:“Đại khái là hôm mùng 1 tháng 11 vừa rồi Hội Đồng Chưởng Quản cho người vô kiếm chuyện gây sự đánh ông Hồng Phước Đức, Chánh Trị Sự phụ trách Thánh Thất. Rồi tới ngày 12 là họ viện cớ lễ Tiểu Tường của vị cựu chánh trị sự ở Định Quán, bắt đầu gây sự đánh người nữa. Thứ Bảy và Chủ Nhựt vừa rồi, họ đánh người nhưng chúng tôi là những người tu hành thuần tuý, có đạo đức. Nếu bây giờ lột khăn đóng áo dài mà đối phó với họ thì mình còn gì ra nét đạo, cho nên chúng tôi phải nhịn. Trong khi nhịn đó thì anh em chúng tôi phải đổi cái giá rất đắt là tất cả đều bị đánh bị thoi hết…Điều này rõ ràng chính quyền coi như để cho họ tự động hành hung như thế.”

Ông Nguyễn Văn Sơn, 70 tuổi tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo bị đánh bằng gậy bất tỉnh

Phương cách bạo động cũng được giới cầm quyền áp dụng đối với Giáo Hội PGHH Thuần Túy, như một chức sắc PGHH, ông Nguyễn Văn Lía cư ngụ tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang lên tiếng cách nay không lâu với Đài ACTD rằng chính quyền địa phương áp chế, bắt bớ nhiều tín đồ PGHH, “bắt hết trơn”, mà vụ trầm trọng nhất cách nay 4 năm, khiến ông Út Hoà Lạc, tức ông Trần Văn Út, tự thiêu ở trong cái cốc của ông trên gác để phản đối.

Trong tháng 12 vừa qua, phương cách đàn áp nặng tay cũng được giới cầm quyền áp dụng đối với Mục Sư Nguyễn Công Chính, Hội Trưởng Hội Thánh Liên Hữu Tin Lành Đấng Christ VN, đồng Chủ tịch Hiệp Hội Thông Công Tin Lành Các Dân Tộc VN. Công an TP Pleiku tỉnh Gia Lai đưa MS Nguyễn Công Chính ra “đấu tố” trước khỏang 300 cán bộ đảng viên địa phương, và nhà cửa của ông lại bị đập phá, vợ con bị hành hung.

Liên quan Công Giáo, người ta vẫn còn nhớ rõ công an dùng võ lực giải tán các cuộc cầu nguyện quy mô tại giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội hồi tháng 9 năm 2008, mở đường cho đông đảo phần tử côn đồ, xã hội đen đến đập phá Khu Linh Địa Đức Bà, Đền Thánh Giê-Ra-Đô sát bên Nhà Thờ Thái Hà, bao vây Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế trước sự chứng kiến thản nhiên của lực lượng hùng hậu công an, cảnh sát cơ động…

Rồi vụ Giáo xứ Tam Toà tại Đồng Hới, Quảng Bình diễn ra hồi mùa Hè năm 2009, khi giáo dân dựng rạp tạm thời trên nền nhà thờ Tam Toà – nền đất thánh thiêng liêng của giáo dân Tam Toà trong mấy trăm năm qua – bị công an và côn đồ đến phá sập, đánh đập, bắt giam giáo dân, tịch thu mọi thứ, từ vật liệu xây cất cho tới máy ảnh, máy quay phim, kể cả Thánh Giá – biểu tượng cao quý của người Công Giáo.

Thông cáo số 4 của Văn Phòng Thư Ký Toà Giám Mục Xã Đoài thuộc Giáo Phận Vinh cho biết Linh mục Phaolô Nguyễn Đình Phú và Linh mục Phêrô Ngô Thế Bính cùng một số giáo dân bị đông đảo côn đồ đánh đập trọng thương “trước sự chứng kiến của những người mang sắc phục công an”. Văn thư lưu ý thêm rằng trong khi công an chỉ bắt giữ giáo dân, đánh đập, giam cầm họ nhưng lại “không bắt nhóm ‘côn đồ’ đông tới hàng trăm đánh đập 2 Linh mục và giáo dân…”

Theo lời bà Elaine Pearson, Phó Giám Đốc Khu vực Châu Á của Tổ chức Human Rights Watch thì những diễn biến đó “là vụ đàn áp khắc nghiệt nhất đối với người Công Giáo VN trong mấy chục năm qua”, khi, theo viên chức này, “Hà Nội dùng bình xịt hơi, roi điện để giải tán người cầu nguyện” trong khi “hàng trăm côn đồ không rõ danh tánh, trong đó có một số mặc áo xanh của Đoàn Thanh Niên, được sử dụng để phá phách giáo dân”.

Sách lược cộng sản là không có tôn giáo

Về vấn đề này, nhà báo lão thành Bùi Tín, cựu đại tá quân đội nhân VN, hiện cư ngụ tại Pháp, nhận xét:

“Đảng CS vẫn theo một chính sách bí mật là kỳ thị tôn giáo, vẫn coi tôn giáo là một ý thức hệ, là thuốc độc, là thuốc phiện, và vẫn coi tất cả các tôn giáo là nhảm nhí, chứ không phải chỉ có Công giáo đâu…bởi vì, trong khi đàn áp Tam Toà như thế thì ở trong Lâm Đồng, việc đàn áp tại Chùa Bát Nhã là chuyện rất nghiêm trọng, cũng do công an huy động xã hội đen, cũng hành hung đối với giới tu hành, cũng công an cùng xã hội đen hành hung đánh đập đổ máu, vỡ đầu, bị thương rồi cũng những người bị bắt vì những cớ rất là không đâu”.

Biến cố Bát Nhã gây chấn động công luận, khi hôm 27 tháng 8 vừa qua, 400 tu sinh Làng Mai tại Tu Viện Bát Nhã ở Lâm Đồng bị bọn côn đồ với sự che chở, tiếp tay của công an, cán bộ đàn áp dã man lẫn bỉ ổi, khiến nhiều nhà tu hành này bị bắt, bị thương, chạy tan tác trong mưa lạnh, đói khát. Trang mạng mang tên TTX Vàng Anh dựa theo nỗi niềm tức tưởi của các tăng sinh Bát Nhã hồi cuối tháng 9 năm qua để mô tả rằng “Máu đã chảy ở Bát Nhã”, mô tả tiếp lời kêu than của giới tu hành rằng “ Xin giúp 400 tu sĩ, máu đã chảy ở Bát Nhã. Mưa, nước mắt, máu đang chảy tại Bảo Lộc, họ chận con đường độc đạo vào tu viện, công an và tất cả các cấp chính quyền đều ra mặt”.

Rồi khi gần phân nửa trong 400 chư tăng, ni ấy tìm cách nương náu ở Cửa Chùa Phước Huệ trong cùng khu vực thì bị giới cầm quyền vu khống là thành phần chống đối nhà nước; họ lại sử dụng công an cùng côn đồ để áp lực Thượng Tọa Trụ Trì Thích Thái Thuận buộc những tu sĩ ấy phải ra đi.

Lên tiếng mới đây với phóng viên Thanh Trúc của Đài ACTD, thầy Pháp Lâm thuộc Tăng Đoàn của Tu viện Bát Nhã mô tả:

Linh mục Ngô Thế Bính bị một số người lạ mặt đánh vỡ đầu

“Chúng tôi là những tu sĩ mà bị hành xử không giống như con người. Người ta ôm, người ta lôi, người ta kéo ra, người ta chửi những lời thô tục, người ta đánh, người ta đập, quăng lên xe…”

Tình cảnh của giới tu hành ấy khiến Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch trụ sở tại New York bày tỏ quan ngại về nạn côn đồ, lên án công an VN không ngăn chận những kẻ đánh đập, chửi bới, nhục mạ, làm nhục các tăng ni. Theo tổ chức này thì chiến dịch nặng tay của giới cầm quyền nhằm xóa sổ pháp môn Làng Mai của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh tại VN cho thấy Hà Nội tiếp tục xem thường nhân quyền và tự do tôn giáo trong nước.

Hội Ân Xá Quốc Tế trụ sở tại Luân Đôn cũng lên án hành động bạo lực này, và khẩn cấp kêu gọi bảo vệ tăng sinh Bát Nhã.

Nghị Viện Âu Châu, sau khi bị đám đông khiếm nhã ngăn chận không cho vào thăm chùa Phước Huệ, cũng đã thông qua một nghị quyết chỉ trích VN về nhân quyền và hành động bạo lực tại Tu Viện Bát Nhã.

Pháp môn Làng Mai tại VN bắt đầu bị giới cầm quyền gây khó khăn sau khi Thiền Sư Nhất Hạnh kêu gọi Hà Nội ngưng việc kiểm soát tôn giáo, giải tán công an tôn giáo và bỏ nhóm từ “xã hội chủ nghĩa” trong quốc hiệu VN.

Qua lá thư tựa đề “Hạt Giống Bồ Đề Bất Diệt” mà Sư Ông Làng Mai Thích Nhất Hạnh gởi cho học trò Bát Nhã tại VN, Thiền Sư Nhất Hạnh nhận xét rằng vụ Bát Nhã rắc rối “…bởi vì trong vụ Bát Nhã và Phước Huệ, bọn côn đồ được thuê mướn và những nhà chức trách thuê mướn họ đã làm việc chung với nhau. Họ là hai mà họ cũng là một…”.

Theo Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, thì chính các học trò Bát Nhã của Thiền Sư vận dụng 4 cách thức xử sự mà Đức Phật từng căn dặn các thầy, các vị khất sĩ đã làm cho “không biết bao nhiêu người cảm động và chuyển hóa”, “đã làm chấn động tâm can của bao nhiêu người”, cho dù phim ảnh đã ghi lại rõ ràng là ‘các thầy Pháp Hội, Pháp Sỹ và Pháp Tụ đã bị lôi kéo, bóp cổ, liệng lên xe như những thùng rác, nghẹt thở, mặt bầm tím, cổ và vai chảy máu. Thầy Pháp Vinh bị đạp lăn lóc xuống lầu một, may mà thầy chưa bị gảy chân. Thầy Đồng Tịnh và em Bình Minh (bây giờ là sư chú trong cây Sen Hồng) bị đánh đến ngất xỉu mà không hề chống trả”. Vẫn theo Thầy Nhất Hạnh thì trong khi đó “những côn đồ đánh phá bị mảnh kính làm đứt tay chảy máu đã được các sư cô băng bó và chăm sóc”.

Thiền Sự Thích Nhất Hạnh tâm sự thêm với học trò Bát Nhã của ông rằng “Thật sự thầy chưa bao giờ tưởng tượng được là những viên chức của một chính quyền lại có thể sử dụng những cách hành xử bá đạo như vậy. Tiền đâu để họ thuê côn đồ ? Đó có phải là tiền thuế mà dân nạp cho họ để họ có lương bỗng để sống và để làm những việc thất đức như vậy ?”. Thầy Thích Nhất Hạnh hỏi tiếp rằng “ Tại sao lại giả danh Phật Tử để đánh phá Phật Tử, giả danh nhân dân để dối gạt và đàn áp nhân dân?

Tòa tổng giám mục Hà Nội lên tiếng về vụ Đồng Chiêm

January 8, 2010

Sau sự việc chính quyền triệt hạ Thánh Giá trên Núi Thờ của giáo xứ Đồng Chiêm, Văn Phòng TTGM Hà Nội hôm thứ Năm 7-1 đã ra thông báo chính thức về vụ việc.

Công an đập phá Thánh giá

Tin AFP cho hay một số giáo dân Công Giáo bị công an dùng roi điện và hơi cay trấn áp vì việc dựng thánh giá tại giáo xứ Đồng Chiêm.

Tin được đài Á Châu Tự Do xác minh cho biết, sáng sớm ngày 6 tháng 1 vừa qua, hằng trăm cảnh sát cơ động và chính quyền địa phương đã đến triệt hạ cây Thánh giá trên Núi Chẻ tại xứ Đồng Chiêm, thuộc thôn Đồng Chiêm, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Một số giáo dân phản ứng đã bị trấn áp, bị đánh đập.

Linh mục Nguyễn Văn Hữu, chánh xứ Đồng Chiêm, cho biết:

“Giáo dân cho tôi biết phía công an chính quyền có đến 500-600 công an với dùi cui điện, hơi cay, lá chắn, chó nghiệp vụ… Có xảy ra việc đánh trọng thương hai bà phụ nữ. Chiều hôm qua về xứ, tôi xác nhận đó là sự thật. Cây Thánh Giá thì họ cưa đến tận gốc ở chân núi, rồi cưa ra từng mảnh và đập không còn hình thù gì chỉ còn một số miếng bê tông thôi.”

Thông báo của TTGM Hà Nội

VĂN PHÒNG TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI
40 Phố Nhà Chung – Hà Nội

Hà Nội ngày 7 tháng 1 năm 2010

Kính gửi: Quí Cha
Quí Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh
và toàn thể Anh chị em giáo dân trong Tổng Giáo Phận Hà Nội.

Văn Phòng Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội xin thông báo về vụ việc Thánh Giá trên Núi Thờ của giáo xứ Đồng Chiêm (Xã An Phú, Huyện Mỹ Đức, Hà Nội) bị các lực lượng vũ trang của chính quyền triệt hạ và đập phá ngày 6.1. 2010 như sau:

Núi Thờ còn gọi là Núi Chẽ nằm cạnh nhà thờ Đồng Chiêm luôn thuộc quyền sử dụng của giáo xứ Đồng Chiêm kể từ ngày thành lập giáo xứ hơn 100 năm nay. Đây là nơi giáo xứ chôn cất các trẻ em sơ sinh và những người vô gia cư trong những năm 1945-1946. Ngày nay giáo xứ vẫn cho một số người thuê đất canh tác ở núi này.

Vào lúc 2 giờ sáng ngày 6 tháng 1 năm 2010, các lực lượng vũ trang chính quyền vào khoảng 600 cho đến 1.000 người gồm dân quân tự vệ, công an, và cảnh sát cơ động với súng ống, chó nghiệp vụ, dùi cui, lựu đạn cay đã phong tỏa các giáo xứ Nghĩa Ải, Tụy Hiền, Đồng Chiêm, chặn lại tất cả các lối đi và khu vực Núi Thờ. Họ bắt đầu triệt hạ và đập phá Thánh Giá bằng bê tông trên núi này.

Trước hành động phạm thánh như vậy, giáo dân Đồng Chiêm đã kêu gọi họ ngừng ngay những hành vi xúc phạm đó. Thế nhưng giáo dân đã bị cảnh sát ném lựu đạn cay và một số đã bị đánh đập tàn nhẫn trong đó có hai người bị thương nặng hiện đang còn phải nằm bệnh viện để điều trị.

Chúng tôi vô cùng đau buồn, vì xúc phạm đến Thánh Giá là xúc phạm đến Chúa Kitô. Đó là một sự phạm thánh! Xúc phạm đến Thánh Giá là xúc phạm đến biểu tượng thánh thiêng nhất của đức tin Kitô giáo và Giáo Hội. Đánh đập tàn nhẫn những người dân vô tội và vô phương tự vệ là một hành động dã man vô nhân đạo xúc phạm trầm trọng đến phẩm giá con ngưòi. Đây là hành vi thô bạo đáng bị lên án!

Ngay chiều ngày 6 tháng 1, sau buổi tĩnh tâm, các cha quản hạt và các linh mục Tổng Giáo Phận Hà Nội đã về Đồng Chiêm để thăm hỏi cha xứ và giáo dân, an ủi các nạn nhân bị hành hung và dâng lễ cầu nguyện cho giáo xứ Đồng Chiêm.

Trong tình hiệp thông của Giáo Hội, xin các cha, tu sĩ nam nữ, chủng sinh, và tất cả anh chị em hãy tích cực cầu nguyện cho giáo xứ Đồng Chiêm được vững vàng chia sẻ thập giá Chúa Kitô. Chúng ta cũng cầu nguyện cho đất nước được thực sự công bằng dân chủ và văn minh, những giá trị thiêng liêng được tôn trọng và các quyền con người được bảo vệ.

Trân trọng thông báo,
Chánh Văn Phòng
Linh mục Gioan Lê Trọng Cung

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.